Tin Mới

Hàng loạt công ty sản xuất của Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam…

Hàng loạt công ty sản xuất của Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam…

Các công ty sản xuất của Mỹ đang rời Trung Quốc và chuyển sang các nước như Việt Nam, Myanmar, Philippines và Bangladesh.

Các container vận chuyển từ Trung Quốc và châu Á được dỡ xuống tại cảng Long Beach, California vào ngày 1/8/2019. (Ảnh: Mark Ralston / AFP / Getty Images)


Những rủi ro nguồn cung toàn cầu đang được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán (virus corona). Dữ liệu mới đây của một công ty giám sát chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hong Kong cho thấy các công ty của Mỹ đã bắt đầu di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.


Nguyên nhân dẫn đến việc di dời sản xuất của các công ty Mỹ là do những bất ổn mà cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc gây ra từ năm ngoái. Thêm vào đó, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã đẩy nhanh xu hướng đó và khuyến khích nhiều công ty giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đến mức biến Trung Quốc trở thành nhà cung cấp duy nhất trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Qima, một công ty giám sát chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng có trụ sở tại Hong Kong, phần lớn các công ty sản xuất đang chuyển sang Đông Nam Á và Nam Á.

Báo cáo Qima dựa trên dữ liệu được thu thập từ hàng chục nghìn cuộc kiểm tra chuỗi cung ứng được thực hiện trên toàn cầu cho các thương hiệu hàng tiêu dùng và nhà bán lẻ. Các công ty sử dụng các báo cáo kiểm tra này để đưa ra quyết định về việc có nên chuyển sang một nhà cung cấp mới hay không.
Trong hai tháng đầu năm 2020, nhu cầu kiểm tra và kiểm toán từ những người mua ở Bắc Mỹ đã tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái tại Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam, Myanmar và Philippines có lợi ích từ việc này, báo cáo nêu rõ.

Và nhu cầu kiểm tra chuỗi cung ứng đã tăng 52% ở Nam Á, trong đó có Bangladesh trở thành điểm đến phổ biến hơn cho các công ty, đặc biệt là công ty dệt may.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát của Qima được thực hiện với hơn 200 công ty vào cuối tháng 2/2020 cho thấy 87% số người được hỏi tin rằng đại dịch sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong việc quản lý chuỗi cung ứng của họ trong tương lai.
Để giảm thiểu rủi ro thiếu hụt nguồn cung phát sinh từ việc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc, hơn một nửa số người được hỏi cũng lưu ý rằng họ đã bắt đầu chuyển sang các nhà cung cấp ở các khu vực mà viêm phổi Vũ Hán không ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng này đã bị gián đoạn trong những tháng gần đây khi dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng ra các khu vực khác trên thế giới. Tương lai của các công ty sản xuất châu Á bên ngoài Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào khả năng vượt qua đại dịch của các quốc gia trong khu vực.

“Sau khi Trung Quốc phong toả chặt chẽ vào đầu năm, các nước khác cũng thực hiện phong toả vì COVID-19”, ông Mathieu Labasse, giám đốc tiếp thị của Qima, nói với The Epoch Times (Mỹ) trong email.

Ông Mathieu Labasse cho biết việc phong toả ảnh hưởng đến cả phía sản xuất cũng như phía cầu khi thị trường xuất khẩu toàn cầu ngừng.

“Chúng tôi thấy tổng sản lượng giảm hơn 40% so với tháng 4 và tháng 5 hàng năm ở Đông Nam Á, và 80% cho Nam Á, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan”, ông Mathieu Labasse cho biết.

Tuy nhiên, công ty kiểm tra cho rằng sự đa dạng hóa nguồn cung ứng và việc di chuyển các công ty sẽ có thể khiến sản lượng tăng lên một mức cao mới khi thương mại toàn cầu trở lại.

“Các nhãn hàng và các nhà bán lẻ vượt qua được khó khăn thì sẽ có thể có được các danh mục đầu tư của nhà cung cấp”, báo cáo cho biết.

Sự suy giảm nhu cầu toàn cầu do phong toả, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, cũng đã ảnh hưởng các nhà cung cấp Trung Quốc.

“Sau một đợt tăng ngắn vào giữa tháng 3 vào thời điểm các nhà máy Trung Quốc mở cửa trở lại, khối lượng sản xuất đã giảm mạnh trở lại vào tháng 4 và tháng 5 khi thị trường xuất khẩu ngừng hoạt động. Chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm 20% về khối lượng sản xuất tại Trung Quốc trong hai tháng này so với với khối lượng hàng năm”, ông Mathieu Labasse cho biết.

“Tuy nhiên, mặt hàng thiết bị bảo hộ cá nhân lại cho thấy bức tranh hoàn toàn khác, trong đó, Trung Quốc là nhà cung cấp thống trị toàn cầu. Chúng tôi đã thấy nhiều cuộc kiểm tra khẩu trang, đặc biệt là từ giữa tháng 5”, ông Mathieu Labasse nói.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp toàn cầu quan trọng. Theo Liên Hợp Quốc, Trung Quốc chiếm gần 20% thương mại toàn cầu trong sản xuất các sản phẩm trung gian, tăng từ 4% vào năm 2002.

Hầu hết các công ty lớn của Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào các cơ sở và nguồn nhân lực ở Trung Quốc để tiếp cận thị trường Trung Quốc và họ đã từ bỏ tài sản trí tuệ của mình để có thể vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, đại dịch, và làn sóng bài xích chế độ cộng sản Trung Quốc trong vài tháng qua đã buộc nhiều hội đồng quản trị của các công ty phải suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, năm ngoái, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của mình xem xét chuyển một số lượng sản xuất nhất định ra khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á. Công ty này cũng bắt đầu quá trình chuyển sản xuất AirPods, tai nghe không dây phổ biến của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ít nhất 50 công ty đa quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan, năm ngoái đã công bố kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times